Hội thảo “Thuế và nền kinh tế số”: Nhận định của chuyên gia thuế: Sử dụng Hóa đơn điện tử vẫn còn nhiều bất cập!
Hóa đơn điện tử (HĐĐT) là một hình thức hóa đơn được lập và quản lý bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật. Tại Việt Nam, HĐĐT đang dần trở thành một công cụ quan trọng trong quản lý tài chính và thuế. Các quy định hiện hành về HĐĐT bao gồm Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, và Thông tư 78/2021/TT-BTC. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP để phù hợp hơn với thực tiễn.
Bà Phó Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, KPMG Việt Nam trao đổi tại hội thảo "Thuế và nền kinh tế số"
HĐĐT thực sự thuận lợi khi sử dụng đối với cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Đối với doanh nghiệp có những điểm thuận lợi như sau: (1) Doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký HĐĐT trực tuyến, và cơ quan thuế xử lý nhanh chóng; (2) HĐĐT giúp giảm chi phí liên quan đến giấy in, mực in và vận chuyển hóa đơn; (3) Việc gửi hóa đơn qua email tiết kiệm thời gian và công sức so với hóa đơn giấy; (4) Doanh nghiệp không cần đăng ký mẫu hóa đơn hay gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như trước. (5) HĐĐT cho phép doanh nghiệp quản lý, lập báo cáo một cách thuận tiện hơn thông qua các phần mềm kế toán. Dữ liệu được lưu trữ dưới dạng điện tử giúp tra cứu và quản lý dễ dàng, bảo mật cao và giảm rủi ro mất mát.
Đối với cơ quan thuế, (1) HĐĐT giúp cơ quan thuế dễ dàng thu thập, quản lý dữ liệu hóa đơn, đối chiếu với tờ khai thuế, và phát hiện các chênh lệch về giá trị kê khai; (2) HĐĐT hỗ trợ kế hoạch điện tử hóa trong quản lý thuế, giúp kết nối và chia sẻ dữ liệu với các cơ quan khác, góp phần phát hiện và xử lý các hành vi gian lận về thuế; (3) Hệ thống HĐĐT sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu, phát hiện các hành vi bất thường và giúp quản lý thuế hiệu quả hơn.
Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng việc sử dụng HĐĐT cũng gặp phải một số bất cập: (1) Một số quy định về thời điểm lập hóa đơn, như với dịch vụ qua sàn TMĐT hay quảng cáo trên nền tảng số, vẫn chưa được rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật; (2) Chưa bao quát hết các trường hợp thực tế: Ví dụ như doanh nghiệp đang trong quá trình phá sản nhưng vẫn hoạt động, hoặc các cá nhân kinh doanh có doanh thu chưa tới mức chịu thuế GTGT nhưng cần xuất hóa đơn; (3) Khó khăn trong điều chỉnh hóa đơn: Hiện tại chưa có quy định rõ ràng về việc lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn đã lập, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua khi hóa đơn bị hủy hay điều chỉnh mà không thông báo; (4) Biểu mẫu chưa phù hợp: Một số biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP chưa thực sự phù hợp với thực tế và quá trình số hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện.
Tóm lại, việc sử dụng HĐĐT tại Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của HĐĐT, cần có những điều chỉnh phù hợp trong các quy định hiện hành nhằm giải quyết các khó khăn và bất cập, đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính và thuế./. (Ban truyền thông – Trường Kinh tế Tóm lược bài trình bày của chuyên gia thuế Phó Thị Mỹ Hạnh tại hội thảo “Thuế và nền kinh tế số”)
Thứ Năm, 09:05 29/08/2024
Copyright © 2024 Trường Kinh tế || School of Economics