Hội thảo “Tư duy kinh doanh trong các doanh nghiệp Nhật Bản”
Ngày 22/10/2024, tại phòng họp 301 - nhà A10 - cơ sở 1, Trường Kinh tế - Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo “ Tư duy kinh doanh trong các doanh nghiệp Nhật Bản”. Hội thảo được diễn ra nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hiểu biết thực tiễn về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên Trường Kinh tế. Đồng thời, thực hiện chuỗi hoạt động của Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường Kinh tế (SEIC).
Hội thảo quy tụ những diễn giả và khách mời uy tín trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp:
Đại diện Trường Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có:
Mở đầu chương trình, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, đã lên phát biểu đề dẫn hội thảo, nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy kinh doanh đổi mới sáng tạo trong việc phát triển sự nghiệp và sự quan tâm đặc biệt của nhà trường dành cho vấn đề đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Đồng thời bày tỏ mong muốn hội thảo lần này sẽ là bước khởi đầu và tiếp nối cho những hợp tác giữa nhà trường và các chuyên gia đến từ Nhật Bản trong tương lai. Hy vọng các chuyên gia và các quý vị đại biểu luôn đồng hành, hỗ trợ để nâng cao năng lực của giảng viên, sinh viên đối với hoạt động đổi mới tư duy sáng tạo trong kinh doanh.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng Trưởng Kinh tế phát biểu khai mạc hội thảo
Sau phần phát biểu đề dẫn, TS. Nguyễn Thị Thu Dung - Chuyên gia giáo dục khai phóng - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã phác họa bức tranh tổng thể về xu hướng phát triển đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm triển khai tại các trường đại học hiện nay tại Việt Nam. Tại đây, diễn giả đã nhấn mạnh và đưa ra những phương pháp, cách thức về việc làm thế nào để hoạt động đổi mới sáng tạo được phổ biến sâu rộng và tiếp cận tới toàn thể sinh viên từ các trường đại học.
TS. Nguyễn Thị Thu Dung - Chuyên gia giáo dục khai phóng - Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong nội dung chính của chương trình, đại diện chuyên gia đến từ Nhật Bản, ông Suzuki Shoma (công ty Team L - Nhật Bản), đã giới thiệu về mô hình tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản và cách mà hiện nay họ đang cải tiến để tiến tới đổi mới sáng tạo thông qua 3 bước trong quá trình: (1) Thiết lập mục tiêu, (2) Tạo ra con đường thực hiện mục tiêu và (3) Điều chỉnh kế hoạch để đạt được mục tiêu. Đây là quá trình cơ bản mà mỗi sinh viên cần nắm rõ trước khi muốn đổi mới sáng tạo một chủ thể nào đó.
Ông Suzuki Shoma (công ty Team L - Nhật Bản) trình bày tham luận tại hội thảo
Phần thảo luận của hội thảo, diễn ra ngay sau bài tham luận, là một điểm nhấn quan trọng với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả, và khách mời, đội ngũ giảng viên nhà trường. Từ những thảo luận về tư duy sáng tạo của người Nhật, so sánh với thực tế tại Việt Nam, các diễn giả và chuyên gia tại hội thảo đều thể hiện sự đồng thuận về tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận với mô hình kinh doanh Nhật Bản ngay từ môi trường học tập, thông qua các hoạt động trao đổi, thực tập, và dự án hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Đây là một trong những bước đệm để chuẩn bị một nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
(Các đại biểu trao đổi tại hội thảo)
Khép lại hội thảo, TS Vũ Đình Khoa đại diện Trường Kinh tế phát biểu tổng kết chương trình. Ông nhấn mạnh rằng Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới và bày tỏ mong muốn rằng sẽ thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung cũng như giữa Trường Kinh tế - Đại học Công nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Công ty ASEAN Car Business Carrer và Team - L trong tương lai nói riêng. Cuối cùng, ông gửi lời cảm ơn sâu sắc, lời chúc tốt đẹp tới hai diễn giả đến từ Nhật Bản và các khách mời tham gia chương trình. Đồng thời cũng cảm ơn sự tham gia tích cực của các giảng viên, sinh viên Trường Kinh tế.
TS. Vũ Đình Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế phát biểu tổng kết hội thảo
Hy vọng rằng với những chia sẻ toàn diện và sâu sắc từ hội thảo, các giảng viên và sinh viên tham dự đã được trang bị thêm nhiều kiến thức hữu ích về kinh doanh sáng tạo và phát triển bền vững. Đây là cơ hội quý báu để mỗi cá nhân có thể mở rộng tầm nhìn, rèn luyện tư duy và chuẩn bị hành trang cho quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển và bền vững.
(Ban truyền thông Trường Kinh tế)
Thứ Tư, 15:48 23/10/2024
Copyright © 2024 Trường Kinh tế || School of Economics