Thực tế doanh nghiệp - Đào tạo lý thuyết gắn với thực tiễn
Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2019 – 2020, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp tổ chức đưa giảng viên đi thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật kiến thức thực tiễn, trao đổi chia sẻ lý thuyết với thực tiễn với doanh nghiệp CTCP KOWA KOUGYOO (Bình Giang- Hải Dương) và Công ty TNHH NamLee International (Kim Môn- Hải Dương).
06/2020, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Khoa Quản lý kinh doanh tổ chức hai đợt sinh hoạt thực tế tại CTCP KOWA KOUGYOO (Bình Giang- Hải Dương) và Công ty TNHH Nam Lee International (Kim Môn- Hải Dương), với mục tiêukết nối hoạt động chia sẻ tri thức và thực tiễn từ phía đơn vị đào tạo và doanh nghiệp tạo cơ sở cho việc nâng cao công tác giảng dạy nói chung và quản trị tài chính nói riêng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các giảng viên nhận thức và hiểu rõ hơn về những chuyển động trong các phương thức quản trị tài chính trong bối cảnh hiện nay.
Hình 1: Tập thể giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đi thực tế doanh nghiệp
Tại CTCP Kowa Kougyoo, một công ty khởi nghiệp hoạt động cung ứng trong ngành công nghiệp phụ trợ đặc biệt về cơ khí chính xác cho gia công kim loại tấm và kim loại thanh, cung cấp các sản phẩm – dịch vụ đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: máy móc, điện tử, điện, xây dựng, công nghiệp y tế, công nghiệp thực phẩm, các giảng viên đã có những chia sẻ hữu ích từ phía đại diện công ty về tình hình tiêu thụ sản phẩm, đặc điểm của sản phẩm của công ty và phân khúc thị trường sản phẩm của công ty cùng với công tác quản lý nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ và tài sản cố định trong công ty. Qua quá trình tham quan trực tiếp nhà máy, các giảng viên có thể hiểu rõ hơn các nhu cầu thực tiễn về vấn đề đầu tư đổi mới đối với hệ thống máy móc thiết bị trong lĩnh vực cơ khí chính xác, đặc biệt đối với các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu theo các phân khúc thị trường quốc tế khác nhau. Những kiến thức thực tiễn này không chỉ giúp các giảng viên xây dựng và thiết kế bài giảng gắn với thực tiễn hơn mà còn rất hữu ích trong việc xây dựng thiết kế các nội dung lập và dự toán ngân sách cũng như thiết lập cơ cấu vốn tài trợ cho đầu tư phù hợp với đặc điểm kinh doanh trong các lĩnh vực chuyên biệt.
Hình 2: Hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị tại CTCP Kowa Kougyoo
Với mục tiêu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng hệ thống nhà xưởng mới trên diện tích 3 hecta và từng bước thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ và Nhật Bản, đại diện doanh nghiệp cũng đã đề cập về vấn đề hợp tác trong đào tạo và tuyển dụng lao động trong thời gian tới với sinh viên đại học công nghiệp Hà nội. Đây sẽ là những cơ hội rất tốt để tăng cường mối liên hệ gắn kết giữa cơ sở đào tào và doanh nghiệp, vấn đề còn nhiều vướng mắc và hạn chế hiện nay tại hầu hết các trường đại học trên cả nước.
Tại Công ty TNHH NamLee International, tiền thân là một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của nước ngoài (Mỹ), hiện là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu với quy mô lao động gần 1.500 lao động tại thời điểm hiện tại, các giảng viên đã tiếp cận được rất nhiều các thông tin chuyên môn hữu ích và cần thiết.
Thông qua hoạt động chuyển đổi hình thức sở hữu của doanh nghiệp, các giảng viên đã có thể tích lũy thêm kiến thức thực tế về một mô hình chuyển đổi theo hình thức M&A trong thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp về mặt quy trình. Bên cạnh đó, các thầy cô bộ môn TCDN đã được gặp gỡ và trò chuyện với đại diện lãnh đạo của doanh nghiệp, được lắng nghe và được chia sẻ những kiến thức thực tế bổ ích về các kiến thức thực tiễn về hệ thống kiểm soát chất lượng, định hướng đầu tư máy móc thiết bị cũng như cách thức quản trị tài chính thực tiễn trong vấn đề đầu tư, mở rộng thị trường, kiểm soát chi phí trong vận hành cũng như các cân nhắc về các ưu điểm và hạn chế trong các phương thức tính lương lao động và quản trị quy trình xuất hàng và nhập nguyên liệu để tối ưu hóa nguồn vốn và dòng tiền cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bên cạnh các chia sẻ liên quan đến các nội dung cơ bản về công tác quản trị nguyên, vật liệu, tài sản cố định, phương pháp tính giá thành sản phẩm cho mặt hàng may mặc và cơ cấu vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty.
Thứ Năm, 11:41 16/07/2020
Copyright © 2024 Trường Kinh tế || School of Economics